Một nhà báo Mỹ đã phải khẳng định rằng: “ Đó là một trong những cuốn sách bán chạy một cách phi thường nhất TK XX”,sức mạnh, sức lan toả phi thường đó là của “Ruồi trâu” của Ethel Lilian Voynich. Được ấp ủ trong 8 năm trời và ngay khi vừa mới chào đời, “Ruồi trâu” đã lập tức tạo nên một chấn động tại London và New York khiến cho nhà xuất bản ở đây phải tái bản tới vài lần trong một thời gian ngắn. Xuất bản lần đầu năm 1897 đến năm 1972, lượng sách bán ra ở phương Tây đã lên đến 10 triệu bản và đến năm 1981, riêng ở Liên Xô đã có 186 lần xuất bản với tổng số hơn 12 triệu bản. Có thể nói “Ruồi trâu” đã được cả một nửa thế giới đọc và quý mến.
Khi đức tin bị đánh mất…
Cuốn sách là bản hùng ca bi tráng về Ruồi trâu, một chiến sĩ cách mạng kiên trinh bất khuất cùng mối tình lặng thầm, trong sáng với Gemma, cô bạn thời niên thiếu và tình yêu lớn lao với người cha truyền đạo của mình, Montanelli. Cuộc đời cách mạng đầy sống gió của Ruồi trâu bắt đầu khi anh đến với nước Ý, nơi anh bắt gặp những tư tưởng mới của cách mạng và tham gia vào đoàn thể “Nước Ý trẻ”. Ở đây, anh đã gặp lại Gemma , giờ đây cô đã trở thành một thiếu nữ xinh đẹp và quan trọng hơn cô đã là “đồng chí” của anh. Việc gặp lại Gemma đã nung nấu trong anh một niềm hi vọng lớn lao rằng một ngày không xa nữa, anh, Gemma và cả Padre nữa sẽ cùng đi trên một con đường cùng đấu tranh cho cuộc sống nhân dân, cho độc lập của nước Ý. Đối với anh, Gemma là tình yêu và Padre chính là cuộc sống, là bầu không khí, là dòng suối nuôi dưỡng tâm hồn anh. Giống như chúa, Montanelli là người mà Arthur vô cùng kính trọng và yêu quý, người mà anh có thể từ bỏ mọi thứ trên đời để đi cùng. Đã có lúc anh hi vọng, giá như người ấy là cha mình có lẽ anh đã hạnh phúc biết bao nhiêu. Nhưng sự thật ấy đến thật không đúng lúc, giữa khi bị che phủ bởi bóng tối của sự phản bội, bởi hiểu lầm không thể giải thích, sự thật đó đã biến thành một sự lừa dối đập tan mọi đức tin trong anh, đập tan hi vọng, đập tan luôn Chúa trời. “Tôi đã tin ông như tin chúa trời. Nhưng chúa trời chỉ là vật bằng đất, tôi có thể dùng búa đập tan, còn ông thì ông đã lừa tôi bằng lời nói dối.” Tượng Thánh đã đập, đức tin đã tan, khi mà con người ta không còn nơi để bấu víu, để tin tưởng, ra đi có lẽ là điều cuối cùng anh suy nghĩ được. Và anh đã ra đi mà không biết được rằng cái giá cho sự ra đi đó là địa ngục tối tăm đi đến cuối cuộc đời anh.
Hận thù và tình yêu
Mười ba năm sau ấy, để đền bù lại cái “chết” của anh là dải tóc bạc trên đầu Gemma, là nỗi đau hằng đêm gặm nhấm trong giấc ngủ của Montanelli, nhưng hơn nữa nó là những vết thương không thể nào lành trên cơ thể cũng như trong tâm hồn anh. Năm năm sống trong địa ngục và tám năm để hàn gắn vết thương đó, những anh vẫn không thể xoá đi những kí ức đen tối của mình ở Nam Mỹ, nơi mà anh đã đánh mất lòng dũng cảm, lòng tự trọng, nơi mà linh hồn anh bị gắn vào cái thể xác méo mó và làm nô lệ cho nó. Khi nỗi đau khổ càng đè nặng, nỗi hận sẽ càng được khoét sâu, nhưng tại sao lòng hận thù ấy vẫn không thể khiến anh giết được tình yêu dành cho Montanelli. Dù có cố giấu diếm bao nhiêu đi nữa, thì tình yêu đó vẫn bị lộ ra. Khi cố giấu nó bằng những bài trào phúng cay nghiệt, bằng những lời lẽ xúc phạm phỉ báng cay độc thì “đứa con của giáo hội” lại xuất hiện, hết lòng bênh vực, thanh minh cho người cha mình. Cuộc bút chiến thủ hai vai không phân thắng bại của anh hay chính là cuộc chiến nội tâm gay gắt giữa hận thù và tình yêu mà anh dành cho Montanelli. Cuộc chiến ấy cứ kéo dài mãi cho đến một ngày hận thù mỏi mệt và tình yêu vượt ra khỏi lý trí. Đứng trước kẻ thù anh luôn là kẻ cứng rắn, tỉnh táo, vậy mà trước con người ấy, Ruồi trâu đã buông súng để mặc cho quân lính bắt bớ khi đứng chặn họng súng anh là Montanelli. Có lẽ không cần phải nói gì thêm nữa khi trái tim mền yếu của anh đã thua mất rồi!
Cái chết nuôi dưỡng sự sống.
Bên cạnh số phận nghiệt ngã và tình yêu cao cả, Ruồi trâu là hình tượng của một anh hùng cách mạng TK XX. Con đường cách mạng của anh là sự đối chọi quả cảm , kiên cường đến giây phút cuối cùng. Dù trong tâm thế là người bị bắt, nhưng những cuộc tra khảo, hỏi cung của kẻ thù với anh lại chẳng khác gì màn tra tấn cho chúng. Trước con người ấy, chúng lại giống những con chuột hèn nhát luôn phập phồng lo sợ. Mà cũng đúng thôi, sao lại không lo sợ khi con người ấy ra những lời phán xét mà chúng không thể chối cãi, người có thể cảm hoá quân lính của chúng ngay trong lao tù, có thể phá tan song sắt nhà tù của chúng dù thân hình què quặt. Tinh thần bất khuất, chịu đựng gian khổ trước nỗi đau thể xác của anh khiến cho bất kì ai khi đọc Ruồi trâu đều phải rùng mình. Bắt được anh ngất xỉu trên đường chạy thoát với 4 song chắn bị cưa gãy đã khiến cho bọn chúng một phen khiếp vía, càng gia tăng thêm nỗi sợ hãi của chúng về anh. Chúng sợ anh ngay cả khi anh không còn đủ sức để nói chuyện hay chống trả. Ngày chúng nhận được thư chấp thuận cho mở toà án binh của Montanelli, chúng đã vui sướng như bắt được vàng, nhưng một lần nữa sự bình thản của anh trước cái chết khiến chúng sợ hãi. Khi con người ta đã chịu đựng những nỗi thống khổ quá giới hạn, thì cái chết hà có xá chi. Chúng không giết nỗi anh ngay cả khi anh không tấc sắt đứng trước mặt chúng và anh đã thật “hào phóng” khi làm “nhạc trưởng” thay chúng điều khiển màn tử hình dành cho mình. Để rồi khi anh ngã quỵ rồi đứng lên, chúng lại tim đập chân run, khi anh thực sự ngã xuống, chúng vẫn không dám tin anh đã chết. Mà thật sự con người ấy đâu có chết, cái chết chỉ là giấc ngủ nuôi dưỡng sức sống của anh trong tim những đồng đội của anh và cả trong tim Gemma nữa. Cuối cùng thì cái chết đó lại giúp anh nói ra những tình cảm dành cho Gemma được giấu kính suốt bao năm tháng “ Gemma ạ, tôi đã yêu Gemma từ khi Gemma còn là một cô bé xấu xí… và vẫn yêu Gemma cho đến tận bây giờ.”
Cái chết là một cái kết buồn, nhưng cái chết của Ruồi trâu lại là dinh dưỡng nuôi nấng tinh thần cho biết bao nhiêu thế hệ độc giả, để cuốn sách ấy không phai nhạt đi, không giảm bớt người đọc theo thời gian, mà càng ngày nó càng có thêm ý nghĩa đậm đà, sâu sắc cuốn hút thêm bao nhiêu thế hệ độc giả.